Đó là một trong những kết quả của chương trình “Nhân văn xanh” được Hội sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thực hiện.
Hiện nay ô nhiễm môi trường đang là một chủ đề nóng hổi trên toàn cầu, vì thế khắc phục và chung tay bảo vệ môi trường đang trở nên cấp bách và được mọi người ưu tiên. Xuất phát từ thực tế đó, Hội sinh viên trường Đại học KHXH&NV đã tổ chức chuỗi các chương trình nhân văn xanh thường niên với hoạt động dọn dẹp vệ sinh giảng đường. Năm nay, chương trình được đổi mới với hoạt động hoạt động trang trí các thùng rác, qua đó truyền tải thông điệp giúp phân loại rác thải.
“Em nghĩ rằng khi mà các bạn phân biệt rõ được đâu là rác thải vô cơ, đâu là rác thải hữu cơ và bỏ đúng nơi quy định sẽ nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cũng như việc tái chế các loại rác thải”, Nguyễn Bích Đào – Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐạihọcKHXH&NV – người phụ trách tổ chức chương trình Nhân văn xanh nói.
Chia sẻ về chuỗi Nhân văn xanh, Nguyễn Bích Đào cho hay, chương trìnhgồm rất nhiều hạng mục: vệ sinh giảng đường (lau bảng, bóc băng dính giảng đường, lau cửa kính, dọn dẹp phòng học); quét vôi gốc cây, sân trường. Riêng ở hoạt động phân loại rác, Hội sinh viên tổ chức trang trí thùng rác, hướng dẫn các bạn sinh viên về phân loại các loại rác thải hữu cơ và vô cơ. Đặc biệt là làm thùng rác đựng pin, đây là loại rác thải nguy hại hơn rất nhiều so với rác thải thông thường.
“Khi mới bắt đầu, chúng em rất lo lắng không biết các bạn sẽ trang trí gì trên thùng rác. Nhưng khi bắt tay vào làm rồi chúng em mới thấy thật sự ấn tượng bởi các bạn vô cùng sáng tạo. Các bạn dùng những hình thức rất đáng yêu để thể hiện thông điệp “phân loại rác”. Các bạn cũng dùng những vật liệu thân thiện với môi trường để trang trí, có thùng rác được gắn những cái cây nhỏ xinh để gây sự chú ý, có thùng rác còn “khoe cơ bắp” giúp sinh viên dễ nhận biết rác hữu cơ, rác vô cơ và bỏ đúng nơi quy định”, Đào bộc bạch.
Là một trong những sinh viên trực tiếp thay “áo mới” cho những thùng rác nhân văn, Phạm Thùy Phương – K61 Tôn giáo học chia sẻ, để thực hiện chương trình Nhân văn xanh, các bạn sinh viên đã tìm hiểu kiến thức về các loại rác thải, làm sao để phân loại cho đúng. Từ đó, truyền tải hiểu biết của mình thông qua những hình ảnh trang trí để các bạn khác có thể biết và phân loại đúng.
Theo Thùy Phương, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh sinh viên sử dụng rác thải nhựa một lần. Hiện trường Đại học KHXH&NV có một chuỗi các hoạt động liên quan đến các giá trị phổ quát, trong đó hướng đến những việc hạn chế rác thải nhựa. Mong rằng với hoạt động này, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, nâng cao hiểu biết và hạn chế sử dụng rác thải nhựa một lần, góp phần chung tay với thế giới chống ô nhiễm nhựa.
Còn đối với Ngô Bình Minh – K62, Khoa Triết học, thông qua việctrang trí thùng rác thể hiện được cái hồn của khoa mình trong đấy; quan trọng hơn là hướng đến giá trị cao hơn - đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong tất cả các bạn sinh viên.
Với sự tham gia hào hứng, tích cực của sinh viên, hiện hơn 20 thùng rác trong khuôn viên trường Đại học KHXH&NV đều được khoác lên mình những chiếc áo mới đầy ngộ nghĩnh. Nhưng có lẽ thành quả lớn nhất mà chương trình mang lại là tạo được hiệu ứng cho mọi người. Khi triển khai, các bạn sinh viên đều thích thú, các thầy cô trong trường hết sức ủng hộ. Không còn tình trạng vứt rác xung quanh ngoài thùng rác nữa.
“Sau chương trình này, chúng em cảm thấy yêu môi trường hơn và tự ý thức về việc phân loại rác, vứt rác đúng nơi quy định cũng như tái sử dụng. Chúng em rất mong chương trình sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Đây cũng là một cách để xây dựng, kết nối tình bạn và bảo vệ môi trường”, sinh viên Đặng Thị Ngọc Hà – K62 Đông Phương học bày tỏ.
Được biết, sắp tới, Hội sinh viên trường Đại học KHXH&NV sẽ triển khai những dự án dài hơi như là phát động phong trào “Thứ 2 không ni lông, thứ 5 không chai nhựa” để từng bước giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong trường học. Những hành động này tuy nhỏ nhưng hiệu quả thiết thực và ý nghĩa lâu bền. Hi vọng rằng, đây sẽ trở thành mô hình điểm để các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có thể thực hiện.