Rác khắp mọi nơi
Bãi biển Phan Thiết nơi tàu thuyền đánh cá neo đậu cũng là địa điểm có nhiều rác thuyền chài như cuộn cước, dây thừng, lưới rách, thùng xốp vỡ, chậu xô nhựa, nhựa vón cục nhất. Rác ở đây tồn tại song hành cùng đời sống của người dân. Tại các bãi biển du lịch thì chai nhựa, vỏ đựng nước ngọt, hộp xốp đựng thức ăn, thìa nhựa tràn lan như một vấn nạn.
Sống gần bãi rác Bình Tú, thôn Tiến Bình (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) hơn 25 năm, khi mưa thì nước đen rò rỉ, nắng thì bốc mùi, nhiều người dân quanh đó đều thờ ơ khi thấy từng đoàn đến khảo sát, lúc thì tổ chức tập huấn phân loại rác thải rắn, rác tái chế, rác sinh hoạt tuy đều nhưng cuối cùng vẫn chưa thể tìm được giải pháp căn cơ.
Góp ý về việc này, bà Lê Thị Liệu ngụ đường Cao Lỗ, xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), cho rằng: “Việc không phân loại rác từ đầu nguồn đã thành thói quen. Một số người đã phân loại rác nhưng bán đồng nát với giá rẻ bèo nên họ quay lại với thói quen cũ không phân loại nữa. Tôi nghĩ nhà nước cần có một cách làm gì đó như là trợ giá cho người thu mua đồng nát để họ thu gom với giá cao hơn thì dân sẽ hào hứng với việc này. Khi chuyện phân loại rác thải đã trở thành thói quen, họ sẽ tự làm mà không cần nhắc nhở, vận động hay tập huấn”, bà Liệu cho biết thêm.
Chứng kiến rác thải bay lượn theo gió, chị Nguyễn Thị Hiền Phương, một hướng dẫn viên du lịch Đồi Cát Bay (Mũi Né), cho biết: “Tôi từng thấy một số người lười đến mức không mang rác đi bỏ đúng nơi mà dùng xẻng chôn lấp. Khi luồng gió đổi hướng, cát bay thì rác mới lộ ra. Đây là cách làm thiếu tôn trọng môi trường, làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có của đồi cát và để lại ấn tượng xấu với du khách”.
Nỗ lực làm sạch môi trường
Trở lại với địa điểm du lịch Đồi Cát Bay, nơi đây thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải phần lớn do du khách bỏ lại và sự thiếu trách nhiệm của một số hộ kinh doanh. Ông Ngô Văn Khiên, ngụ khu phố 4 (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết), cho biết: “Những xe bán hàng rong, quán dựng tạm không chỉ làm mất mỹ quan cho khu vực mà còn xả rác trực tiếp ra môi trường”.
Trước những vấn đề nêu trên, chính quyền TP Phan Thiết đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình. Chị Hiền Phương cho biết thêm: “Gần đây tôi thấy Ban Quản lý khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né phối hợp cùng Công an phường Mũi Né vào cuộc rất mạnh. Họ thường xuyên tổ chức tuần tra nhằm bảo đảm an ninh - trật tự và xử lý tình trạng giao thông, bán hàng rong tại khu vực Đồi Cát Bay nên rác cũng được thu gom đúng chỗ. Tuy nhiên, hành động này chỉ là đối phó với các đợt kiểm tra mà thôi”.
Trước tình trạng rác thải đại dương tràn vào bờ tại các bãi biển thuộc phường Mũi Né và Hàm Tiến, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng và nhân dân, phối hợp các khu du lịch để thu gom rác thải. Hoạt động này giúp bảo vệ môi trường biển và nâng cao ý thức cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển du lịch bền vững. Tính từ đầu năm 2024, đã có 22 đợt ra quân dọn dẹp bãi biển, thu gom 450 m³ rác thải nhằm bảo vệ môi trường biển và cải thiện mỹ quan du lịch. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết cũng đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm xử lý nhanh chóng lượng rác biển và giảm tình trạng rác thải trôi dạt. Trong đó, kiến nghị duy trì hoạt động thu gom rác hằng tuần trên toàn thành phố và tăng tần suất thu gom rác trên sông để hạn chế rác thải từ sông trôi ra biển. Đồng thời, áp dụng các thiết bị cơ giới hiện đại để thu gom rác tại vùng nước ven bờ và ngăn chặn ngư dân xả rác nhựa trong quá trình đánh bắt.