Tản mạn về Rác và Thùng Rác!
Từ vua quan đến thứ dân, từ bậc thánh nhân đến người phàm phu tục tử ai cũng tạo ra rác, không nhiều thì ít. Kiếp người sống càng lâu càng tạo ra nhiều rác và dường như người càng cao sang, càng được xã hội trọng vọng lại càng tạo ra nhiều rác rưởi hơn ai hết. Trong ngày thu rác, cứ đi một vòng quan sát, người ta sẽ thấy những khu xóm lao động nghèo có ít thùng rác hơn, ít đồ phế thải hơn các khu xóm sang giàu.
Các nhà nghiên cứu về sự liên hệ giữa rác và tác phong tiêu thụ đã nghiệm ra rằng cứ nhìn rác rưởi phế thải của một khu xóm, người ta có thể đoán biết cách sống, lối nghĩ và thành phần xã hội của cư dân nơi đó. Rác được xem là biểu hiện của sự sống. Tôi tạo ra rác vậy thì tôi có, tôi hiện hữu, tôi còn sống đây. Càng tạo ra nhiều rác càng chứng tỏ tôi đang sống mạnh, sống vững chắc, sống dư thừa, sống sang giàu.
Người thiếu ăn, thiếu mặc thì đâu có dư của để tống khứ ra ngoài. Nhưng rác không phải là sự sống. Rác là đồ phế thải. Rác là sự chết, không ai muốn giữ nó trong nhà, chỉ muốn vứt nó đi cho rảnh nợ.
Đời sống càng văn minh, càng tiến bộ thì càng có nhiều rác, càng có nhiều núi rác.
Trong thập niên 50 thế kỷ vừa qua, một nhà kinh tế học Mỹ đã buột miệng nói rằng: «Rác của một thành phố Hoa Kỳ có thể nuôi sống cư dân một thành phố Âu Châu, và rác của một thành phố Âu Châu có thể nuôi sống cư dân một thành phố Á Châu. Hẳn nhiên không ai “ăn rác” mà sống. Sài gòn trước năm 1975 cũng không có nhiều rác rưởi như bây giờ. Những đống rác khổng lồ, to tướng không cần nhìn kỹ cũng thấy.
Trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng có rác.
Trong các loại vua ở trần thế, người ta phải kể đến những ông vua rác, những người không phải sống bằng nghề thu rác theo nghĩa thông thường, nhưng làm giàu nhờ biết khai thác rác rưởi của nhân loại.
Rác và thùng rác liên hệ như bóng với hình. Đâu có rác là ở đó có thùng rác. Không ai muốn giữ rác trong nhà, vừa mất vệ sinh, có thể gây bệnh, vừa khó ngửi. Do đó thùng rác mới cần. Thùng rác có công dụng chứa rác, có nấp đậy kín để mùi hôi không thoát ra ngoài và để ruồi nhặng không thể cắm dùi sanh sôi nẩy nở. Công dụng của thùng rác sẽ mất đi rất nhiều nếu không có nấp đậy che kín lại.
Trong các loại thùng dùng để đựng, thùng đựng rác có vị thế quan trọng một cách nghịch lý. Các loại thùng khác chứa đựng đồ vật bên trong có giá trị gấp trăm gấp ngàn lần thùng đựng nó. Không ai muốn giữ lại thùng này sau khi đã lấy vật bên trong ra vì nhiệm vụ của nó chỉ là để bảo vệ đồ vật quí bên trong được toàn vẹn trong lúc di chuyển, xê dịch. Khi mua máy truyền hình chẳng hạn, người ta lựa chọn máy có thùng còn nguyên vẹn, chưa ai mở, không móp méo mặc dù người ta mua vì cái máy truyền hình ở bên trong, không phải vì thùng đựng bên ngoài.
Khi mang máy về nhà, người ta cẩn thận mở thùng lấy máy ra, chưng bày ở ngay phòng khách để gia đình và bạn bè cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức. Nhưng từ giờ phút này, thùng đựng máy không còn quan trọng nữa. Nó trở thành một chướng ngại vật làm chật cửa chật nhà, cần vứt đi. Nó đã trở thành rác.
Thùng đựng rác thì khác, nó được quí trọng hơn. Người ta mua thùng rác vì công dụng của nó, không phải vì giá trị của vật mà nó sẽ chứa đựng. Người ta chỉ muốn tống khứ rác rưởi ở bên trong nhưng giữ thùng rác lại để dùng tiếp. Không ai muốn vứt thùng rác cùng với rác bao giờ. Nếu thùng rác dơ quá, hôi quá nó sẽ được rửa sạch để làm tròn nhiệm vụ chứa rác. Đã là thùng rác thì không có quyền lựa chọn, sử dụng cách nào tùy thuộc nơi chủ nhân.
Thùng rác chấp nhận tất cả mọi thứ rác, không phân biệt rác của người giàu hay rác của người nghèo, của kẻ quyền thế hay của thứ dân, rác sạch hay rác dơ, rác khô hay rác ướt.
Thùng rác có giá trị gấp trăm ngàn lần rác, vật mà nó chứa đựng. Dù vậy, không ai mang thùng rác để trong phòng khách hay nơi phòng ngủ của mình. Nếu được giữ trong nhà thì nó thường ở một hóc hẻo nào đó mà người ngoài khó thấy. Vị trí của thùng rác thường là ở sau hè hay trước ngõ (chỉ trong ngày thu rác).
Trong các điều xấu ở cõi đời này thì thùng rác là cái xấu cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng nếu các thùng rác trong nhà biến mất đi trong một tuần thì sinh hoạt gia đình sẽ ra sao? Nhưng khi thùng rác quá hôi thối, không thể tẩy rửa sạch được, hay móp méo, bể, nắp đậy không còn kín… khiến ruồi nhặng có thể dùng làm nơi ẩn náu thì thùng rác không còn làm đúng chức năng chứa rác. Chính nó đã trở thành một thứ rác và sẽ bị vứt đi như các loại rác rưởi khác mà nó đã từng chứa đựng trước đây.
Nếu những sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày như ăn uống, mặc, ở… tạo nên nhiều rác rưởi và cần đến thùng rác để chứa đựng trước khi vứt đi thì đời sống tâm hồn cũng có những rác rưởi riêng của nó. Tội lỗi hay rác rưởi của tâm hồn thường khi biểu hiện qua hành động nhưng cũng có khi ở trạng thái vô hình, chưa bộc lộ vì còn trong giai đoạn thai nghén (tư tưởng), chờ cơ hội thuận lợi để phát lộ. Tội lỗi làm dơ bẩn tâm hồn cũng như rác rưởi làm dơ bẩn môi sinh.
Cả hai đều làm dơ bẩn cuộc đời. Lấy gì để chứa đựng những rác rưởi của tâm hồn? Có loại thùng rác nào dám nhận, dám chứa? Làm sao quăng vứt chúng đi?
Trước khi tìm được thùng rác để xả hơi, trút cạn tội lỗi, rác rến, người phạm lỗi đã biến thân xác mình, tâm hồn mình thành một thứ thùng đựng rác. Hành động che dấu hay biện minh lỗi lầm cũng giống như hành động lấy nắp đậy kín thùng rác lại vì sợ mùi hôi thối tỏa ra.
Sự tiếp cận lâu ngày giữa rác và thùng rác có thể làm nẩy nở tình đồng chí keo sơn gắn bó đến độ không còn vách bờ phân cách đâu là rác, đâu là thùng rác. Ta là thùng rác mà rác cũng là ta. Ta với rác đã hòa đồng biến thành một. Đến mức này thì quả thật bệnh khó tìm ra thuốc chữa.
Giá trị của thùng rác là để chứa rác nhưng không để mình biến thành rác để rồi bị phế thải như một thứ rác. Muốn vậy thùng rác cần được chăm sóc, gìn giữ, nâng niu để mãi mãi được lành lặn. Thùng rác cũng cần được thanh tẩy thường xuyên, cách này hay cách khác, để dù phải tiếp xúc với rác hằng ngày, hằng giờ vẫn không tanh hôi mùi rác rưởi.
Nguồn biên soạn