Nhiều thành phần tham gia
Theo Quyết định 2149/QĐ-TTg, ngày 17-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”, tất cả các đô thị đều phải thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn vào năm 2020. Cách đây hơn 10 năm, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, kết quả đạt được khá khiêm tốn. Trước khi có chương trình thí điểm về phân loại chất thải rắn tại nguồn (năm 1999), thành phố có khoảng 16 đến 18 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực thu gom phế liệu. Trong đó có khoảng 5.300 đến 5.500 lao động (tư nhân, hợp tác xã và các công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện) vừa thực hiện công tác thu gom chất thải rắn tại các nguồn thải vừa phân loại và bán các loại phế liệu cho các vựa thu mua.
TP Hồ Chí Minh cũng có mạng lưới các cửa hàng (vựa) thu mua phế liệu, phân loại lần hai và tái chế dày đặc với số lượng khoảng 1.200 cơ sở. Số lao động trong các cơ sở lên đến gần 12 nghìn người. Các cơ sở này tập trung ở các quận, huyện: 5, 6, 11, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú... Ngoài hai dạng trên, số lượng người phân loại chất thải rắn đô thị trong các túi nhựa để dọc đường, thu mua phế liệu từ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, xây dựng… cũng có khoảng 1.200 người, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm. Mọi chi phí phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đều phải do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý” và “người hưởng dịch vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ”.
Đây là cơ sở để buộc người xả thải phải có trách nhiệm với hành vi của mình, đồng thời cũng là một trong những giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng như chương trình thu phí vệ sinh cũng “đụng chạm” đến tất cả mọi người sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố ở các mức độ, khía cạnh khác nhau. Người dân không chỉ phải tuân thủ các hành vi mới do pháp luật quy định mà còn phải trả nhiều tiền hơn, đúng hơn các dịch vụ mà mình được hưởng.
Phải đầu tư đồng bộ
Hiện thành phố có hơn hai nghìn tổ thu gom rác dân lập trên địa bàn 24 quận, huyện. Với những thùng rác có các ngăn phân loại, người dân dễ dàng phân biệt, bỏ rác vào từng ngăn. Nhưng khi các xe gom rác dân lập đến gom tại mỗi hẻm xóm, khu phố thì lại trộn “lộn tùng phèo” tất cả các loại rác. Các loại rác đã trộn này, một lần nữa lại được “trộn nhào” vào các xe gom, ép rác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, chương trình phân loại rác tại nguồn giai đoạn 2017 - 2020 đã được thực hiện trên toàn thành phố. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng, giảm chôn lấp chất thải rắn. Trong năm nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe… sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình này. Thành phố cũng bố trí các thiết bị chứa, phương tiện thu gom và phương án thu gom trên nhiều quận, nhiều khu vực.
Còn nhớ, năm 2000 và 2008, thành phố bắt đầu thí điểm chương trình này nhưng phải tạm dừng. Nguyên nhân, vì chưa có nhà máy tiếp nhận chất thải hữu cơ, chưa có giải pháp tách chất thải nguy hại ra khỏi chất thải sinh hoạt. Đến năm 2011, chợ Bình Điền (quận 8) cũng triển khai thí điểm chương trình với mục tiêu ban đầu là thu gom chất thải thực phẩm.
Tuy nhiên, sau thời gian khoảng sáu tháng thì kết quả cho thấy tồn tại một số khó khăn như việc hoạt động của chợ từ khuya kéo dài đến khoảng 3 giờ sáng; diện tích các sạp nhỏ nên không thể lưu chứa cả dụng cụ phân loại rác và dụng cụ kinh doanh. Sau khi nhận được thông tin tuyên truyền về chương trình, các tiểu thương bắt đầu thực hiện phân loại theo quy trình. Rác thải chiếm 95% là chất thải hữu cơ, phần còn lại là dây và bao ni-lông, hộp đựng thức ăn…
Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải trên địa bàn các khu dân cư, thành phố cần phải tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống phân loại rác cũng như hệ thống xử lý rác một cách hiệu quả. Điều này sẽ làm giảm đáng kể diện tích đất chôn lấp, giảm ngân sách cho việc xử lý chất thải, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.
NGUYÊN QUỐC