Để sớm đưa luật vào cuộc sống, từ tháng 6 năm nay, tại 23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình này, tiến tới triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã. Nhiều địa phương khu vực ngoại thành cũng đã có những hình thức phân loại rác hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thắng, tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, vừa có thêm nhiệm vụ là vận động nhân dân thực hiện phân loại rác làm bốn loại: loại có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa; loại cồng kềnh như tủ, giường, nệm, bàn, ghế; loại nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất; và rác thải thực phẩm. Nhờ hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên nhân dân ở tổ dân phố rất ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thắng cho hay: "Bà con rất là tích cực ủng hộ. Trong lần này phân làm bốn loại, thời gian thu gom cụ thể, rõ ràng và chúng tôi thấy là rất chuẩn. Hôm nay còn hai loại rác đưa ra đây là có thể tái chế được và làm phân hữu cơ".
Còn ở khu vực ngoại thành, Hội Liên hiệp phụ nữ một số địa phương triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt hướng dẫn xử lý ủ phân hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, đồng thời hạn chế vứt rác thải ra môi trường.
Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho hay: "Người dân ở các hộ gia đình phân loại được thì rác đó phải được phân luồng theo đúng cái túi rác mà người dân phân loại chứ không thể ra đến xe thu gom lại được đổ chung với nhau, thì đấy là những hành động phản tác dụng và không thể huy động được sự chung tay của người dân. Khi mà người ta đã phân loại rác thì thành quả đấy phải được đến khâu xử lý cuối cùng".
Để tránh những bất cập có thể phát sinh, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy trình, định mức kinh tế duy trì vệ sinh môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại, làm cơ sở triển khai.
Bộ cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại.
Để việc phân loại rác đi vào thực tiễn, cần có sự đồng bộ từ khi phân loại, thu gom đến xử lý. Khi triển khai, cần tránh tình trạng người dân phân loại xong, đến lúc thu gom thì dồn thành một loại, như đã từng xảy ra trước đây.
Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/phai-phan-loai-rac-tu-nguon-den-khau-xu-ly-cuoi-cung-a166666.html